Niết bàn có nghĩa là giải thoát, là tự do. Ta đâu cần phải chết đi mới có được cái cảm giác giải thoát và tự do đó.
Nhiều người nghĩ rằng Niết bàn (Nirvãna) là một cảnh giới hạnh phúc mà người chứng đạo được đi vào sau khi chết. Không có sự hiểu lầm nào tai hại hơn thế. Bụt đã dạy rất nhiều lân về Hiện Pháp Niết Bàn, nghĩa là về Niết Bàn trong hiện tại. Nếu ta có khả năng buông bỏ được những phiền não như đam mê, hận thù và ganh tị, nếu ta buông bỏ được những cái thấy sai lầm về sinh diệt, có không, tới đi … thì ta có thể tiếp xúc được với Niết bàn trong giây phút hiện tại.
Người xuất gia và người tại gia đều có khả năng tiếp cận Niết Bàn qua đạo để ngay trong hiện tại. Vì vậy nên ta có thể nói: “Không có con đường nào đưa tới Niết bàn, Niết bàn chính là con đường”.
Tập kinh Rong chơi trời phương ngoại gồm 2 phần: phần 1 Kinh văn gồm 36 bài kệ và phần 2 là bình giảng.
Ngay bài kệ thứ 1 đã nhắc đến từ Nhẫn. Trong chúng ta có tâm hành sợ hãi; chúng ta sợ những tai nạn, những mưu mô ác độc xâm phạm tới mình. Sống trong sự sợ hãi, chúng ta không thể nào có hạnh phúc. Ngay trong câu đầu, Bụt đã dạy cho chúng ta sống như thế nào để đừng sợ hãi và cảm thấy an toàn. Đó là bước đầu đi vào Niết bàn. Bởi Niết bàn trước hết là sự an ổn.
Lần lượt các “tham, sân, si”, những điều cản trở con người hướng tới cuộc sống an nhiên tự tại dần dần được hóa giải: bệnh (vô bệnh tối lợi: không bệnh là cái lợi tức lớn nhất), đói (cơ vi đại bệnh – đói là cái bệnh khó chịu đựng nhất), tâm nan (mỗi chúng ta đều có thói quen và chính thói quen đó xúi đẩy chúng ta nghĩ, nói và làm), chư khổ pháp (những hiện tượng đem tới khổ đau như vô minh, buồn giận, đam mê, lo lắng, u sầu và sợ hãi), nếp sống (hành tịnh vô hà uế - sống thanh tịnh, hướng thiện) …
Bài kệ thứ 36 đúc kết lại:
Sống thanh tịnh, vượt thoát được thời gian
Thì cả hai giới thiên nhân đều nghiêng mình kính nể
“Ta đi vào chùa lạy Phật, má nói với ta trong chùa có Phật. Chỉ có vào chùa mới gặp được Phật, ta đem nào nhang, nào đèn, nào chuối, nào cam lên chùa cúng Phật. Chỗ ta đi tìm Phật là trong chùa; nhưng khi lớn lên, ta thấy không đúng như vậy. Trong chùa, chỉ có tượng Phật, ta tìm ra sự thật rằng Phật ở trong lòng”.
Kinh Rong chơi trời phương ngoại là một phẩm của Kinh pháp Cú Hán tạng có tên là Nê Hoàn Phẩm. Nê Hoàn là Niết bàn (Nirvãna, Nibbana). Trời phương ngoại là cái không gian vượt ra ngoài không gian, chữ Hán gọi là thiên ngoại thiên hay phương ngoại phương. Rong chơi trời phương ngoại là đi chơi trong thế giới không gian ngoài không gian. Trong không gian này không có sinh, không có diệt, không có tới, không có đi, không có còn, không có mất, không có ta, không có người, không có sự phân biệt kỳ thị. Không gian đó bao la vô cùng, gọi là Niết bàn.