Chỉ Thay Đổi Một Điều - Hướng Dẫn Học Sinh Cách Đặt Những Câu Hỏi Của Chính Mình
LỚP HỌC SẼ THẾ NÀO NẾU NHƯ GIÁO VIÊN HỎI ÍT HƠN VÀ HỌC SINH HỎI NHIỀU HƠN?
Các tác giả của “Chỉ thay đổi một điều” cho rằng việc tạo ra những câu hỏi của chính bản thân chúng ta là “kỹ năng cơ bản quan trọng nhất” cần có trong việc học tập – và nó cần được dạy cho tất cả học sinh.
Họ cũng cho rằng nó cần phải được dạy theo cách đơn giản nhất có thể. Dựa trên hai mươi năm kinh nghiệm thực hành, các tác giả đã giới thiệu Kỹ thuật Khởi tạo Câu hỏi QFT, một tiến trình cô đọng và mạnh mẽ, giúp học sinh có thể tạo ra những câu hỏi của chính các em, cải thiện chúng, và thiết lập các chiến lược để sử dụng chúng.
“Chỉ thay đổi một điều” cũng giới thiệu những tiếng nói, kinh nghiệm của các giáo viên đứng lớp trên khắp Hoa Kỳ để minh họa cho việc áp dụng Kỹ thuật Khởi tạo Câu hỏi vào các lớp học, môn học khác nhau, với học sinh ở những độ tuổi khác nhau.
“Thay vì hoang mang, bối rối hay chán nản với khẩu hiệu ‘lấy học sinh làm trung tâm’ (mà không biết là trung tâm của cái gì), thì Kỹ thuật Khởi tạo Câu hỏi QFT cho phép chúng ta đưa học trò thành trung tâm của quá trình học tập, làm chủ quá trình học tập của chính các em…
Rất mạch lạc, không tốn kém, không hoa mỹ, kỹ thuật QFT giúp chúng ta trao quyền làm chủ quá trình học tập cho học trò, cho phép chúng ta lùi lại – không phải để không làm gì, mà để tiến hành những quan sát tổng quan và kỹ lưỡng hơn về quá trình học tập của học trò – để chúng ta hiểu các em hơn, và có thể đưa ra những hỗ trợ cần thiết mà không tước mất quyền được tư duy của các em.
Xin chúc quý vị đồng nghiệp sẽ gặt hái được thêm nhiều trải nghiệm đáng quý trong quá trình cùng học trò khám phá về các năng lực tư duy hội tụ, tư duy phân nhánh, và siêu nhận thức – những năng lực nền tảng để các em có thể trở thành những con người tư duy độc lập, học tập suốt đời.”
Hoàng Anh Đức
CEO
Trung tâm NC&PT Giáo dục EdLab Asia
“‘Chỉ thay đổi một điều’ nghe chừng đơn giản nhưng thực sự không dễ dàng, bởi nó yêu cầu những nhà sư phạm điều chỉnh cách đặt câu hỏi trên lớp và trao quyền đặt câu hỏi cho học sinh. Chúng ta hãy hình dung như thế này: nhớ lại một buổi tối đi cắm trại cùng với một đứa trẻ, nhìn lên bầu trời đầy sao và chúng ta bình luận ‘Hôm nay nhiều sao quá’, và nhớ lại một loạt những câu hỏi mà đứa trẻ đó đặt ra, cho đến khi chúng ta kiệt sức và bắt nó đi ngủ – đó là ‘một thay đổi’ sẽ biến lớp học không chỉ là nơi học sinh tiếp thu những kiến thức mới mà ngay cả những thầy cô giáo cũng có thể học được một điều gì đó từ học sinh.”
Đàm Bích Thủy
Chủ tịch Sáng lập
Trường Đại học Fulbright Việt Nam