Sài Gòn một thuở: “Dân Ông Tạ đó!” - Tập 2
Những ai đã từng yêu mến vùng Ông Tạ qua miêu tả của tác giả Cù Mai Công hẳn sẽ rất vui khi trong quyển sách Sài Gòn một thuở: “Dân Ông Tạ đó!”- Tập 2, tác giả sẽ tiếp tục dẫn bạn đọc đi sâu vào từng ngõ hẻm, thăm từng căn nhà, gặp gỡ những nhân vật đã làm nên một trời tuổi thơ đầy kỷ niệm của anh cũng như của nhiều cư dân Ông Tạ khác.
Quyển sách mở ra bằng một không khí thân quen và ấm cúng của những ngày cận Tết, với hình ảnh của những sạp bán lá dong, hương vị của kẹo lạc, “thèo lèo cứt chuột” từ ngày 23 tháng Chạp, khung cảnh nhà nhà ngồi canh nồi bánh chưng đêm 30 Tết, tiếng pháo rền vang vào thời khắc giao thừa và nếp sinh hoạt của bà con Ông Tạ trong những ngày Tết… Đó là những hình ảnh, hương vị và thanh âm gợi một trời ký ức của nhiều thế hệ mà nay đã “phai nhạt mấy màu”.
Qua những bài viết về ngõ Con Mắt, ngõ Cổng Bom, giáo xứ Sao Mai - Chí Hòa - Thánh Mẫu - Nghĩa Hòa, xóm Đại Lợi…, bạn đọc ắt sẽ thấy bất ngờ và thú vị khi phát hiện ra rằng nơi đây tuy tập trung phần lớn cộng đồng Bắc 54 nhưng không vì thế mà thiếu đi sự đa dạng.
Ông Tạ có lượng giáo dân Công giáo đông đảo nhưng vẫn có thể ôm trọn đồng bào Bắc 54 Phật tử ngay giữa trung tâm Ông Tạ; Ông Tạ có không ít văn sĩ, thi sĩ chọn nghề cầm bút thì cũng có lượng lớn những người chọn theo nghiệp… cầm súng; Ông Tạ là nơi sản sinh ra nhiều giám mục, linh mục nhưng đồng thời cũng là nơi cư ngụ của Sơn Đảo - trùm du đãng khét tiếng Sài Gòn; Ông Tạ có những doanh nhân lớn mà khi thành đạt vẫn chọn sống tại ngôi nhà cũ tại Ông Tạ, bên cạnh những bà con lao động nghèo… Tất cả mọi thứ tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng lại có thể cùng tồn tại cạnh nhau rất hài hòa.
Thêm một điểm đặc biệt nữa, đó là trong quyển sách này, bạn đọc sẽ được “gặp” không ít người nổi tiếng. Ngõ Con Mắt, xóm Đại Lợi, giáo xứ Nghĩa Hòa…những cái tên tuy khá xa lạ với những người không phải dân cố cựu nhưng mấy ai biết rằng nơi đây từng là nơi cư ngụ của gia đình nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như diễn viên Đại Nghĩa, ca sĩ Tóc Tiên, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà văn/MC Nguyễn Ngọc Ngạn, nhạc sĩ Nguyễn Vũ - tác giả “Bài Thánh ca buồn” mà lời ca và giai điệu quen thuộc vang lên trong mỗi mùa Giáng Sinh, nhạc sĩ Văn Giảng của “Ai về sông Tương”, nhạc sĩ Hoài An gắn liền với nhiều bài nhạc Xuân trước 1975 phổ biến đến tận ngày nay mà người ta vẫn thường hát trong những ngày Tết… và còn rất nhiều thi sĩ, họa sĩ, nhà báo có tiếng ở Sài Gòn không thể kể hết tên.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào những câu chuyện đời thường, những nhân vật khiến cho bạn cảm thấy thân thuộc, thương cảm, hoặc nhiều lúc… ôm bụng cười ngặt nghẽo lại không phải là những người nổi tiếng mà chính là những nhân vật “vô danh”. Những mẩu chuyện thoáng qua vốn chỉ là những lát cắt “không đầu không đuôi” của những người bình thường mà tác giả chỉ kịp gọi tên vắn tắt, có khi chỉ là “tên cúng cơm”, nhưng lại khiến ta đồng cảm sâu sắc. Phải thân lắm, thương nhân vật của mình lắm, tác giả mới có thể phát hiện và khắc họa được nét độc đáo của mỗi con người bình dị ấy, cũng như điểm đáng nhớ nhất trong cuộc đời vốn bình lặng của họ. Bên cạnh đó, bạn đọc sẽ nhận ra rằng, nổi bật giữa những câu chuyện mang đậm màu sắc cá nhân là câu chuyện “tình làng nghĩa xóm” - tình thân của những người hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, có khi thương nhau hơn cả ruột thịt.
Không dừng lại ở đó, đan xen trong những câu chuyện vui buồn của cư dân Ông Tạ là tuổi thơ đầy màu sắc của tác giả Cù Mai Công. Anh là một nhân chứng của Ông Tạ từ những ngày đầu tiên, đi qua những tháng ngày đẹp nhất cũng như những thời khắc bi thương nhất của cộng đồng này. Có cảm tưởng như dấu chân anh hẳn đã in khắp vùng Ông Tạ nên anh mới có thể có mặt từ mọi câu chuyện vặt vãnh của trẻ con cho đến chứng kiến những biến động lớn của thời cuộc. Anh rành rẽ gia phả của mỗi gia đình, nhớ như in những chi tiết “thời xửa thời xưa” mà có khi “chính chủ” cũng đã quên.
Đúng như nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người từng sống tại ngõ Con Mắt, từng chia sẻ rằng nếu Cù Mai Công không viết về Ông Tạ, bản thân nhà thơ cũng không tin mình đã từng sống và lớn lên ở đấy. Hoặc như nhà báo Phúc Tiến, một người bạn thân thời niên thiếu của tác giả, từng cảm khái: “Ôi, Công của tôi, một cây bút sống được, viết được nhiều kiếp người như thế, không nhiều lắm đâu”.
Không chỉ thấm đẫm hoài niệm, tình cảm và tâm huyết của tác giả Cù Mai Công, những ký ức về một khoảng trời tuổi thơ Ông Tạ được anh khắc họa trong tập sách Sài Gòn một thuở:“Dân Ông Tạ đó!”- Tập 2 còn góp phần làm phong phú thêm những câu chuyện về ký ức Sài Gòn xưa.
Về tác giả
Cù Mai Công tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm hạng 4 trên gần 200 sinh viên khóa học 1980 - 1984.
Từ 1985 đến nay, Cù Mai Công làm phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn cho các tòa báo: Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười, Tuổi Trẻ Online. Anh phản ánh, ghi nhận những hoạt động phong trào của Đoàn, Đội, Hội và lối sống của giới trẻ TP.HCM.
Hai lĩnh vực trong nghề báo mà Cù Mai Công được độc giả biết đến nhiều nhất là khi anh cho ra mắt, nhân vật "Anh Cỏ Cú", phụ trách một chuyên mục tại báo Mực Tím từ số 1 đến số 89 (1988 - 1993) và thực hiện gần 200 bài viết, phóng sự về cuộc sống về đêm của giới trẻ TP.HCM trên báo Tuổi Trẻ từ 1994 - 2004. Từ những hoạt động tích cực trong nghề báo, năm 2005, Cù Mai Công đã được bình chọn là một trong 30 "Gương mặt trẻ của thành phố 30 năm" tại Đại hội Thanh niên tiên tiến Thành phố Hồ Chí Minh.