Van Gogh BÌA CỨNG
Tóm Tắt Nội Dung
Một cuốn tiểu sử đào sâu bậc nhất về Van Gogh.
Vincent Van Gogh – một thiên tài, nhà họa sắc và là một họa sĩ có sự nghiệp nghệ thuật ngắn ngủi nhưng để lại ảnh hưởng lớn đến công chúng và giới hoạt động nghệ thuật hậu hiện đại và đương đại – qua bàn tay của cặp đôi tiểu sử gia tài năng Naifeh và Smith đã được hiện lên trước mắt bạn đọc từ nhiều mảnh ghép của cuộc sống và những giai đoạn thăng trầm khác nhau của cuộc đời anh.
Cuốn tiểu sử được nghiên cứu, hoàn thiện trong quá trình 10 năm của một cặp tiểu sử gia Steven Naifeh, Gregory White Smith đã gắn bó và cộng tác, cống hiến với tình yêu nghệ thuật nhiều năm qua. Quá trình nghiên cứu của họ dựa vào rất nhiều tư liệu, tài liệu đã có cũng như chưa từng được khai thác một cách rộng rãi về cuộc đời và tiểu sử Van Gogh. Song song với 10 năm của họ là dự án Tập hợp các lá thư của Bảo tàng Van Gogh, từ đó giúp cho hai tác giả có cái nhìn toàn diện hơn, những kiến giải đa màu sắc hơn về “huyền thoại Van Gogh” vốn đã được lan truyền từ trước đến nay.
Cuốn tiểu sử này cũng theo dòng cuộc đời của Van Gogh, được chia ra làm 3 phần: những ngày khi cậu bé Vincent còn thơ ấu mải mê ở bãi hoang, ngắm nhìn chim muông cây cỏ rồi cô đơn nơi lớp học khi phải xa gia đình; thời thanh thiếu niên với những khủng hoảng tuổi mới lớn về công việc, sự nghiệp, tình yêu, câu hỏi cho mục đích của cuộc sống và lẽ sống được tìm kiếm qua con đường tôn giáo và những trang văn thơ, cũng như những tiếp xúc thuở ban đầu với hội họa; giai đoạn trưởng thành trong những năm ở Pháp cùng những giằng xé không được giải quyết, những câu hỏi không có câu trả lời và cũng không còn ai kiên trì để trả lời khi mốc trưởng thành đã đến và người ta hành động nhiều hơn thay vì ngồi hỏi những ngẩn ngơ ngày nào, cơm áo gạo tiền và địa vị xã hội cùng sự ổn định đã khiến tâm can người họa sĩ trở nên hoảng loạn và bất ổn nhất – nghịch lý là khi đó anh đã tạo ra những tác phẩm định hình rõ phong cách của anh cho tới khi rời bỏ cuộc đời.
Cuốn sách không miêu tả quá rõ hay cụ thể chỉ một hay một vài bức tranh của Vincent như những ấn phẩm Basic Art hay bất kỳ cuốn sách tranh nào khác thường nói về sự nghiệp hội họa của Van Gogh, mà mạch kể của nó đi theo hướng dành nhiều thời gian phân tích những biến chuyển tâm lý và suy nghĩ nội tâm của anh qua những bằng chứng còn sót lại là những lá thư và những lời kể, cùng những phân tích và nghiên cứu của hai tác giả, khiến cho chúng ta như vừa tham gia vào câu chuyện của Vincent lại vừa là người chứng kiến dưới góc nhìn khách quan để tự soi chiếu vào nội tâm của bản thân, với những thăng trầm, mặc tưởng, những cú ngoặt và sự chuyển mình của chính mình từ trước đến nay.
Nếu ta dám nói ta hiểu rõ ta mọi lúc và muôn nơi thì chắc có lẽ ta cũng không dám nói ta hiểu được Vincent 100%, chưa kể đến nội dung cuốn sách làm sáng tỏ về huyền thoại Van Gogh được thánh hóa suốt bao năm qua, cũng như đưa ra một góc nhìn khác về cái chết của Vincent, xem liệu có đúng anh đã tự sát chỉ bởi một cuộc đời không được thấu hiểu.
Đây không phải là một cuốn sách dễ đọc! Không phải vì nó quá dài, vì chẳng có cuốn sách nào đủ dài cho một đời người, mà có lẽ bởi những thăng trầm của cảm xúc, những cuồng mê đan xen lòng phẫn nộ, những ham muốn ích kỷ đi với trách nhiệm chung của cái gọi là gia đình, hay sự tử tế bề ngoài bao bọc lòng ích kỷ thuần túy bên trong. Nói cách khác, là sự đa tầng lớp lang của một con người, một đời người (không chỉ Vincent, mà còn cả những người trong gia đình anh và những người lạ đã đi qua cuộc đời anh).
Nhưng đến phần 3, đặc biệt là những chương cuối, khi hai tác giả tập trung nói về khía cạnh nghệ thuật và giai đoạn Vincent tạo ra được nhiều tác phẩm nhất trong sự nghiệp hội họa của mình, thì lòng ta cũng đã nguôi ngoai (hay là đã quen dần với?!) những biến động, để như hòa tan vào những nét bút, vào những khung cảnh phóng chiếu từ đôi mắt anh, qua bàn tay chuyển mình lên toan vẽ. Vincent, và tranh của anh, cho ta thấy Thiên nhiên thực sự có sức mạnh to lớn đến thế nào trong việc chữa lành những vết thương lòng cũng như đem cho ta sự khuây khỏa, đón ta vào lòng như một người Mẹ. Dù cho cái chết của anh đến một cách đột ngột và đầy ẩn khuất sẽ chẳng bao giờ được giải đáp hết, nhưng cuối cùng Vincent cũng được yên nghỉ trong lòng Người Mẹ Vĩ đại.
Sách lọt vào danh sách bán chạy của New York Times và được đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất năm trên các tạp chí danh tiếng như: The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal, San Francisco, The Economist, BookReporter …
Ngoài nội dung chính về cuộc đời ông với những tranh trắng đen minh họa, trong sách còn đính kèm 32 trang phụ lục in màu hơn 60 bức tranh nổi tiếng của Van Gogh.
Đánh giá/ Nhận xét của chuyên gia:
“Cuốn tiểu sử mang tính then chốt trong nhiều thập kỷ tới.”
— Leo Jansen, giám tuyển, Bảo tàng Van Gogh, và đồng chủ biên cuốn Vincent van Gogh: The Complete Letters (Toàn tập thư Vincent Van Gogh)
“Xuất sắ lập tức trở thành tấm gương cho sự nghiên cứu đầy uyên bác và là một lời giải giàu tình cảm, thành công cho một thử thách nan giải trong việc viết tiểu sử về những nhân vật đã được huyền thoại thánh hóa.”
— The Daily Telegraph (London)
“Một thành tựu . . . một thành công to lớn. . . Đọc câu chuyện về cuộc đời Van Gogh khiến ta như đang đi trên một con tàu lượn vô tận với những cung bậc lên xuống đầy huyễn tưởng. . . . [Một] cuốn sách có kết cấu bố cục đáng kinh ngạc, thể hiện sự am hiểu bao quát tường tận.”
— Los Angeles Times
Trích đoạn hay:
Nếu màu sắc là âm nhạc của anh, thì cọ vẽ chính là nhạc cụ. Những nét vẽ có thể “đan dệt cùng cảm giác,” Vincent xác nhận vậy, để gọi ra một miền cảm xúc: từ “sự đau khổ” của lối vẽ đắp, tới sự hồ hởi của lối vẽ chấm màu; từ sự thanh thản của lớp sơn mịn màng (“giống như đồ sứ”), đến sự thăng hoa của những nét cọ tỏa ra.
Anh chấp nhận huấn thị của chủ nghĩa Viền ngăn để đơn giản hóa, đơn giản hóa, đơn giản hóa – nhưng không chỉ vì mục đích trang trí của việc đơn giản hóa. Sự đơn giản hóa và cường điệu hóa, giống như màu sắc và bút pháp, cần phải phục vụ cho một số sự thật của cảm xúc sâu sắc hơn.
— Chương 32, Hướng dương và Trúc đào
Sự kết hợp màu sắc thích đáng, anh nhấn mạnh, có thể khơi gợi đầy đủ những biến thiên cảm xúc của con người: từ sự “thống khổ” của những tông màu pha cho đến sự “bình yên tuyệt đối” của những tông cân bằng; từ “đam mê” bằng màu đỏ và xanh lá tới “sự an ủi nhẹ nhàng” của màu tử đinh hương và vàng. Trong khi miêu tả về màu sắc của mình, [] Vincent đã tiếp thu vốn từ vựng của những người thuộc phái Biểu tượng (lặp đi lặp lại những viện dẫn về “sự vĩnh cửu,” “những điều huyền bí,” “vô tận,” và “những giấc mơ”), nhưng ngang ngược tuyên bố bản thân là một “nhà họa màu duy lý” [] về những phép tính toán phức tạp đã dẫn đường cho bảng màu của anh – những lời lẽ giống như Seurat đã bị ghét cay ghét đắng đối chọi với bản tuyên ngôn về tri giác của những người theo phái Biểu tượng. Và anh từ chối thẳng thừng sự loại bỏ màu sắc thành một yếu tố đơn thuần của thiết kế như cách của trường phái Viền ngăn – một sự khấu trừ mang tính trang trí – hơn là sự “biểu hiện mạnh mẽ” của “một khí chất mãnh liệt.”
— Chương 32, Hướng dương và Trúc đào
Đây là lý thuyết duy nhất mà thứ nghệ thuật ngang bướng của Vincent có thể chịu – sự biểu hiện không thể tránh khỏi của một trí tuệ tổng hợp bị ràng buộc vĩnh viễn với một trái tim luôn loạn nhịp. “Khi anh cảm động bởi một điều gì,” anh nói, “thì đó là những điều duy nhất có vẻ như có ý nghĩa sâu sắc.” Và vẽ những điều đó “cuốn hút anh rất nhiều,” anh thú nhận, “tới nỗi anh để cho bản thân mình dấn bước, không bao giờ nghĩ gì được về bất cứ một quy tắc nào cả.” Ám ảnh nội tâm và thường cô độc, Vincent suy nghĩ sâu sắc về các câu hỏi đã làm bận tân các nhà văn, nghệ sĩ, và triết gia mà anh đọc; nhưng những lý thuyết của cá nhân anh về nghệ thuật, cũng như trong mọi thứ khác, đều không mạch lạc mà cũng không nhất quán.
— Chương 32, Hướng dương và Trúc đào
Câu quote hay:
“Tác phẩm của tôi là gì,” anh tuyên bố, “thì tôi là như vậy.”
— Lời nói đầu
“Hãy chiêm ngưỡng nhiều nhất em có thể,” anh khuyên Theo chừng thời điểm đó; “hầu hết mọi người đều không chiêm ngưỡng sao cho đủ.”
— Chương 5, Đường tới Rijswwijk
“Hạnh phúc cho ai được dạy dỗ bởi sự thật,” anh lý giải, “không bởi những ngôn từ phù du mà bởi chính nó, bộc lộ chính nó như cái nó là.”
— Chương 11, “Dat is het” (Chính là nó)
“Những khác biệt này có ý nghĩa gì,” [] “khi mà điều tuyệt vời nhất sau tất cả là thể hiện bản thân một cách mạnh mẽ?”
— Chương 32, Hướng dương và Trúc đào
"Anh thường nghĩ rằng buổi đêm sinh động và giàu màu sắc hơn ban ngày."
— Chương 32, Hướng dương và Trúc đào
Về tác giả:
Cùng tốt nghiệp tại trường Luật Harvard, Steven Naifeh và Gregory White Smith là cặp đôi tiểu sử gia nổi tiếng với 18 cuốn sách đã xuất bản. Tác phẩm của họ đạt nhiều giải thưởng và truyền cảm hứng cũng như cung cấp tư liệu cho các nhà làm phim dựng nên các tác phẩm nổi tiếng.
Steven Naifeh đã đóng góp nhiều bài viết cho các tạp chí nghệ thuật định kỳ và từng giảng dạy tại các bảo tàng như Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia (Mỹ). Ông theo học ngành Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học Princeton và đã thực hiện luận án tốt nghiệp tại Bảo tàng Nghệ thuật Fogg của Đại học Harvard. Ông đã viết nhiều sách về nghệ thuật và những chủ đề khá, trong đó có bốn cuốn lọt vào danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times.
Gregory White Smith là một nhà sưu tập nghệ thuật, luật sư, nhạc sĩ, nhà bảo tồn lịch sử, nhà từ thiện và doanh nhân. Tiểu sử của ông đã được giới thiệu trên nhiều tờ báo lớn như The New Yorker, New York Times, USA Today, và ông từng xuất hiện trên các chương trình 60 Minutes, The Oprah Winfrey Show và Larry King Lives.
Các tác phẩm nổi bật:
Jackson Pollock: An American Saga (Jackson Pollock: Chân dung một huyền thoại Mỹ, 1990)
Making Miracles Happen (Tạo nên phép màu, 1997)
Van Gogh: The Life (Van Gogh, 2011)