Là ai đã từng cầm nhành cây viết tên mình dưới nắng hè chói chang rực rỡ, nói với cậu thiếu niên đó tên mình có nghĩa là, trái tim này vẫn luôn ở đây;
Là ai đã từng dùng ánh mắt trong veo quá đỗi dụ dỗ cô đọc thuộc tên mình, dùng đầu lưỡi trao viên kẹo chua chua ngọt ngọt từ miệng mình sang miệng cô;
Là ai đã từng kéo cô chạy như bay trong khu xưởng bỏ hoang, ngắm nhìn phép thuật thắp lên hàng ngàn ánh đèn từ những ô cửa của những ngôi nhà xung quanh;
Là ai đã từng lao lên bậc thang chạy dọc theo sân khấu ngoài trời dưới cơn mưa tầm tã, đôi bàn tay nắm chặt của đôi trẻ lơ lửng giữa không trung.
Và, ai đã tỉnh lại từ trong hồi ức thanh xuân, phát hiện bản thân đang ngồi bên ô cửa sổ trên chuyến xe lửa đang chầm chậm lăn bánh rời ga;
Là ai trong khoang tàu ồn ào huyên náo toàn mùi mì ăn liền, nhìn ra ngoài cửa sổ mải miết nhìn ngắm những cánh đồng hoang vắng lướt qua vùn vụt và vầng mặt trời đỏ rực như lòng đỏ trứng, nhớ đến Darwin, nhớ đến đề thi môn Sinh học, nhớ đến cá hề, hải quỳ và địa y
Nhớ đến —
cộng sinh, là mối quan hệ giữa hai loài sinh vật sống dựa vào nhau, đôi bên cùng có lợi, nếu một trong hai loài mất đi, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của loài còn lại, thậm chí là chết.
Bắc Dã và Trần Niệm chính là hai con người như vậy.
Bắc Dã – một tên đầu gấu, bất hảo chẳng có chút tương lai nào. Bố là tội phám cưỡng hiếp. Mẹ là gái điếm.
Trần Niệm – một cô học sinh giỏi, nhà lành, ngoan ngoãn với một tương lai sáng lạng đang chờ ở phía trước.
Vậy điểm gì đưa họ đến với nhau?
Hai con người gần như chẳng có sự tương đồng nào, cũng chẳng lấy nổi mộ điểm giao thoa trong cuộc sống nhưng cứ như vậy gắn kết với nhau bởi một từ “ cô đơn”. Họ đều là những đứa trẻ đang lớn nhưng lại cô đơn đến lạc lõng trong cuộc đời này. Người thì bị xã hội khinh miệt, ghẻ lạnh; người thì dường như bị lãng quên bởi lòng người ích kỷ.
Cửu Nguyệt Hi đã thành công khắc họa nên cho chúng ta thấy một xã hội thật sự chứ không còn là ngôn tình, cổ tích như những câu chuyện ai ai cũng từng đọc nữa. Là những bất công, ích kỉ của con người với con người. Những kẻ lạnh lùng, máu lạnh sống bầy đàn chỉ vì một chút sai lầm liền đẩy bạn mình vào con đường xấu xí. Sự lạnh lẽo của lòng người, bủa vây của chúng bạn hay thơ ơ, lạnh nhạt của giáo viên đang – đã – sẽ giết chết tuổi thanh xuân của một cô gái. Có lẽ sau màu sắc xanh tươi của thanh xuân đó ta biết rằng còn một khoảng tối đen của những cô bé, cậu bé đang hằng ngày bị bắt nạt, dè bỉu, tổn thương bởi bạo lực học đường từ chính bạn bè lẫn sự vô cảm của thầy cô.
“ Thời niên thiếu của anh và em” chính là bức tranh khắc họa mảng tối của những câu chuyện học được mà ta chưa biết tới cũng như hằng ngày rất nhiều người phải đối mặt. Là tình bạn, tình yêu, là sự chia sẻ, bảo bọc của Bắc Dã đối với Trần Niệm. Là những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần mà hai cô cậu bé phải trải qua mà chẳng ai ngờ tới. Cũng là lời cảnh tỉnh cho những bậc cha mẹ, thầy cô của xã hội hiện tại bây giờ trước khi quá muộn!